Hà Nội: Người dân sống lay lắt vì mòn mỏi chờ tái định cư

1265
Hàng chục hộ dân thuộc khu vực Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội đang lên tiếng kêu cứu. Họ rơi vào tình thế “đi không được, ở không xong” trên chính mảnh đất đã gần 20 năm cất công khai hoang, tạo lập.
Đi đâu về đâu?
Câu hỏi chưa lời giải đáp thỏa đáng của hàng chục nhân khẩu phường Mễ Trì khi Dự án xây dựng khu tập luyện thể thao và vui chơi giải trí (nay là Khu chức năng chính là cây xanh, hồ điều hòa, một phần công trình công cộng kết hợp nhà ở) bước vào giai đoạn giải phóng mặt bằng (GPMB).
Đây là dự án được UBND Thành phố Hà Nội ra quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư số 3803/QĐ-UBND ngày 11 thàng 07 năm 2016 do Công ty cổ phần phát triển thể thao và giải trí Mễ Trì làm chủ đầu tư. Từ văn bản này, UBND Quận Nam Từ Liêm ra Quyết định số 5240/QĐ-UBND ngày 07 tháng 09 năm 2016 về việc phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ chi tiết để thực hiện dự án. Nguồn kinh phí để thực hiện do Trung tâm phát triển quỹ đất Hà Nội chi trả.
Nhưng trong quá trình thu hồi đất, công tác GPMB còn tồn tại nhiều vướng mắc khiến các hộ dân đang hết sức hoang mang, lo lắng.
Cụ thể, diện tích đất bị thu hồi thuộc Công ty môi trường đô thị Hà Nội và đất mương đường nội đồng do Ủy ban xã trước đây quản lý. Trên diện tích hàng nghìn mét vuông ấy, hàng chục hộ dân đã khai hoang, phục hóa và sinh sống từ những năm 1998 tới nay. Điển hình như hộ gia đình ông Huỳnh Xuân Long là thương binh hạng ¼, mất 81% sức khỏe – giám đốc công ty xương rồng Huỳnh Long.
Ông Huỳnh Xuân Tùng bên phần diện tích đã bị thu hồi
Ông Long là người đầu tiên bước chân từ chiến trường trở về, đến khai hoang mảnh đất này. Chính người chiến sỹ có Huân chương chiến công hạng 2 năm nào là người tiên phong khai sinh ra công ty xương rồng Huỳnh Long, tạo công ăn việc làm cho hàng chục thương bệnh binh khác. Và Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn thời đó đã rất ủng hộ, xuống tận nơi thăm mô hình công ty của thương binh Huỳnh Xuân Long.
Ông Long thẳng thắn: “Hộ gia đình tôi, công ty của tôi khai hoang mảnh đất này đã lâu. Tất cả mọi nghĩa vụ tài chính về thuế đất, điện nước hay biên bản phạt lấn chiếm vỉa hè chúng tôi đều thực hiện đầy đủ theo luật pháp. Dự án về chúng tôi đồng ý di dời nhưng biết đi về đâu khi gần 20 năm ở đây, tài sản gắn liền với đất mà tôi chỉ được bồi thường 127 triệu. Số tiền mua được một chiếc xe máy liệu có thỏa đáng cả lý và tình với người thương binh như tôi?”.
Ông Huỳnh Xuân Tùng, cư dân bị thu hồi đất chia sẻ: “Chúng tôi lâm vào cảnh màn trời chiếu đất khi có quyết định thu hồi đất để thực hiện dự án. Ở thì không được rồi, nhưng đi đâu cả gia đình với mức hỗ trợ ít ỏi? Toàn bộ nguồn thu nuôi sống gia đình tôi trông vào tiệm sửa xe bao năm ở đây, bây giờ bị đuổi khỏi nơi này, trong tay không một tấc đất, không nghề nghiệp, làm gì để mưu sinh đây?”.
Theo các hộ dân ở đây, mọi người cùng nhau sinh sống, tạo lập đã lâu, có đóng thuế đất và Tổ dân phố số 1, Đồng Trong Đống hình thành đã lâu, cũng có Tổ bầu cử của phường Mễ Trì. Bây giờ tất cả đều đang như ngồi trên đống lửa, một bầu không khí lo lắng, bất an trên từng gương mặt cư dân nơi đây.
Có lý nhưng cũng phải có tình
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Khắc Vững, phó Chủ tịch phường Mễ Trì cho biết: “Về nguồn gốc đất các hộ dân sử dụng đất thuộc  Công ty môi trường đô thị Hà Nội và đất mương đường nội đồng. Các hộ dân không có hai loại giấy tờ, hoặc GCNQSD đất, hoặc Quyết định giao đất theo Luật đất đai không công nhận quyền sử dụng đất. Đúng là các hộ dân có vào khu đất này trồng trọt, chăn nuôi và sinh sống từ lâu nhưng việc bồi thường theo quy định chỉ tiến hành kiểm đếm tài sản trên đất chứ không bồi thường giá trị đất”.
Cũng theo ông Vững, trong quá trình quản lý từ xưa, cán bộ xã thời điểm đó cũng chưa thực sự chặt chẽ, dứt khoát trong việc cưỡng chế sai phạm ngay từ đầu. Điều này vô hình trung tạo một “khu dân cư” hàng chục năm An Cư, sinh sống. Để khi dự án về, áp theo pháp luật, chính sách hiện hành thì vấp phải sự phản đối quyết liệt của các hộ dân trên là điều dễ hiểu.
Văn bản của UBND phường Mễ Trì
Theo tìm hiểu, trong thông báo số 325/TB-UBND ngày 12/05/2009 có nêu (khu đất đang tồn tại các nhà dân hiện nay) phần diện tích được xác định là khu đất kẹt giữa Công ty TNHH Phát triển Thể thao và Giải trí Mễ Trì với Tổng Công ty Thủy tinh và Gốm xây dựng (Viglacera), tại thời điểm UBND Thành phố Hà Nội có quyết định phê duyệt Dự án năm 2007 và cả quyết định điều chỉnh sau đó năm 2008 phần diện tích này cũng chưa có trong diện tích phê duyệt và trong phương án tổng thể.
Được biết, UBND phường Mễ Trì đã có văn bản số 177/UBND-ĐC ngày 20/01/2017 đề nghị UBND Quận Nam Từ Liêm, Hội đồng bồi thường hỗ trợ và tái định cư Quận xem xét.
Ở một khu đất “đặc biệt” như thế, nên chăng cũng cần một chính sách hợp tình hợp lý hơn? Hàng chục hộ dân sẽ ra sao khi bị “đuổi” khỏi mảnh đất mình đã cất công khai hoang, tạo lập gần 20 năm? Vấn đề an sinh xã hội lúc này cần thiết đặt lên hàng đầu.
Trước những vấn đề đặt ra, nên chăng các cấp chính quyền, cơ quan chức năng xem xét, giải quyết sớm sự việc, tránh khiếu kiện lâu dài, tạo điều kiện để các cư dân được hỗ trợ, đền bù thỏa đáng. Hỗ trợ cho các hộ dân tái định cư không chỉ là mong mỏi của bà con nơi đây mà cũng là phương án hợp tình hợp lý, “có lợi cho dân”, đảm bảo sự đồng thuận, an sinh.
Văn Hoàng (VnMedia)