Bất động sản 24h: Siết quản lý, sử dụng nhà đất công

1096
Cái kết ở Tân Bình Apartment và phận người nắm dao đằng lưỡi; Thay đổi trong quản lý, sử dụng nhà, đất công; Tuyến metro số 1 của TP.HCM có nguy cơ vỡ tiến độ do chậm vốn… là những thông tin nổi bật trong 24h qua.
Hình minh họa
Cái kết ở Tân Bình Apartment và phận người nắm dao đằng lưỡi
Những lùm xùm tại dự án Tân Bình Apartment (32 Hoàng Bật Đạt, P.15, Q.Tân Bình, TP.HCM) liệu có đi đến kết thúc khi chủ đầu tư đồng ý cắt gọt hai tầng 17 và 18 xây dựng sai phép.
Xuất phát từ việc tự ý xây dựng vượt tầng sai phép, dự án này nhiều lần bị cơ quan chức năng đình chỉ thi công. Cụ thể, tháng 9/2016, Sở Xây dựng ra văn bản số 549 đình chỉ thi công và yêu cầu tháo dỡ toàn bộ phần diện tích vi phạm. Tuy nhiên, chủ đầu tư sau đó cũng không thực hiện tháo dỡ sai phạm mà chờ xin phép. Nhiều khách hàng đã mua nhà tại dự án vì thế cũng khốn đốn khi tiến độ giao nhà không đúng như cam kết.
Thay đổi trong quản lý, sử dụng nhà, đất công
Theo thống kê mới nhất của Bộ Tài chính, cả nước hiện có 2.585 triệu m2 đất thuộc quyền sở hữu của Nhà nước. Số đất này phần lớn được giao cho khối đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) quản lý, sử dụng với tỷ lệ lên đến 91,65%. Còn lại 7,8% do khối cơ quan nhà nước quản lý, sử dụng; 0,54% do khối các tổ chức quản lý, sử dụng và khối các Ban quản lý dự án quản lý, sử dụng 0,01%. Việc giao đất nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động của các cơ quan, đơn vị. Tuy nhiên, thời gian qua, những sai phạm về sử dụng đất công lại không ngừng phát sinh.
Điều này phần nào được phản ánh qua báo cáo mới đây của Thanh tra Chính phủ. Trong quý 1/2017, cơ quan này tiến hành 1.885 cuộc thanh tra hành chính và 36.580 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, phát hiện vi phạm về kinh tế 41.821 tỷ đồng và 168 ha đất.
TP.HCM phê bình hàng loạt cán bộ liên quan đến đất đai
UBND TP.HCM vừa ra văn bản kiểm điểm trách nhiệm đối với ông Đào Anh Kiệt, cựu giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường (TN&MT) và bà Đặng Thị Hồng Liên, nguyên chủ tịch UBND quận 9 (hiện là Bí thư quận ủy quận 9) và nhiều tập thể, cá nhân khác có liên quan trong việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất ở đối với khu đất số 1A, phường Phú Hữu, quận 9.
UBND TP cũng phê bình UBND quận 9 và các cá nhân liên quan. Cụ thể là UBND quận 9; Phòng Tài nguyên Môi trường; Phòng Quản lý Đô thị; Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất Chi nhánh quận 9; UBND phường Phú Hữu (thuộc quận 9) bị phê bình.
Xây dựng trái phép tại dự án Nam Hội An: Sẽ cưỡng chế nếu không tự tháo dỡ
Hiện cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các hội đoàn thể của xã Duy Nghĩa đã đến nhà vận động 3 hộ dân trên tự giác tháo dỡ các công trình vi phạm. Tuy nhiên hiện nay chỉ có hộ bà Hương, bà Thanh nhận biên bản tháo dỡ, hộ ông Trân đóng cửa không có ai ở nhà. Theo quyết định cưỡng chế, nếu không tự giác thực hiện, sáng 26-5, UBND H. Duy Xuyên sẽ tiến hành cưỡng chế tháo dỡ đối với các công trình xây dựng trái phép của 3 hộ dân nói trên.
Theo chính quyền địa phương thì hộ bà Võ Thị Hương vốn là hộ nghèo của địa phương và chỉ mới thoát nghèo vào cuối năm 2016. Tuy nhiên đến thời điểm có thông tin giải tỏa đền bù bà Hương lại xây dựng căn nhà 3 tầng với số tiền lên đến 500 triệu đồng. Ông Nguyễn Tấn Nam, Chủ tịch UBND xã Duy Nghĩa, cho biết: “Xuất phát từ sự thiếu ý thức cũng như bị kẻ xấu xúi giục, hỗ trợ nên bà Hương mới có khả năng xây dựng nhà 3 tầng trái phép.
Tuyến metro số 1 của TP.HCM có nguy cơ vỡ tiến độ do chậm vốn
Theo thông tin từ Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM, tuyến metro số 1, nối từ Bến Thành đến Suối Tiên, dựa vào hai nguồn vốn là vốn đối ứng của thành phố và vốn vay ODA từ chính phủ Nhật Bản. Phần vốn đối ứng của thành phố thì luôn sẵn sàng, nhưng vốn vay ODA do chính phủ phân bổ thì đang bị chậm so với tiến độ.
Cụ thể, trong năm 2017 này, đến tận ngày 28/4 vừa qua, Văn phòng Chính phủ mới quyết định chấp thuận theo đề nghị phân bổ vốn của Bộ Kế hoạch Đầu tư. Sau đó, bộ mới có quyết định phân bổ vốn lại cho các địa phương. Như vậy, tiến độ giải ngân vốn đã trễ hơn 4 tháng.