Số phận của dự án River City sẽ ra sao; Nếu cần phải cưỡng chế những chung cư nguy hiểm cấp D; 3 dự án giao thông hứa hẹn gây sốt đất ở Sài Gòn… là những thông tin nổi bật trong 24h qua.

Hình minh họa
Số phận của dự án River City sẽ ra sao?
Đó là câu hỏi đang thu hút sự quan tâm lớn của giới địa ốc tại TP.HCM khi mới đây chủ đầu tư dự án này đột ngột ngưng mọi hoạt động giao dịch, thanh lý hợp đồng mua bán căn hộ và chấp nhận đền bù 20% cho khách hàng.
Dự án này được xây dựng trên khu đất có tổng diện tích 112.585m2 bao gồm 12 khối chung cư cao 37 tầng, cung ứng khoảng 3.125 căn hộ.
Tuy nhiên, sau khi xây dựng được một số hạng mục thì dự án này bị đình trệ suốt một thời gian dài. Năm 2016, Phát Đạt đã bắt tay với An Gia Investment và Quỹ đầu tư đến từ Nhật Bản Creed Group để vực dậy dự án.
3 dự án giao thông hứa hẹn gây sốt đất ở Sài Gòn
Xây cầu Cát Lái thay phà Cát Lái, cầu Cần Giờ thay phà Bình Khánh và xây dựng đường song song với quốc lộ 50 là những dự án hạ tầng giao thông quan trọng sẽ được triển khai trong thời gian tới tại TP.HCM.
Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung cầu thay thế phà Cát Lái. Cầu này sẽ vượt sông Đồng Nai nối quận 2 (TP.HCM) với huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai). Cầu có tổng chiều dài và đường dẫn khoảng 4,5km, vận tốc 80km/h; mặt cắt ngang đường 60m, đảm bảo 6 làn cơ giới và 2 làn hỗn hợp; mặt cắt ngang cầu phù hợp với quy mô tuyến. Cầu được xây từ năm 2017 – 2020.
Nếu cần phải cưỡng chế những chung cư nguy hiểm cấp D
Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng: Đối với những chung cư nguy hiểm cấp D thì Thành phố phải tổ chức di dời ngay để đảm bảo an toàn cho các hộ dân sống trong nhà CC đó cũng như các khu vực lân cận. Công tác di dời ngoài việc tuyên truyền, giải thích… cũng cần xây dựng chế tài cương quyết, thậm chí là có biện pháp cưỡng chế.
Tình trạng xây dựng lấn chiếm diện tích đất công cộng, sân vườn ở tầng một tại hầu hết các khu cc làm tăng mật độ xây dựng (có khu vực tới 80%), đã làm hạn chế không khí lưu thông và tăng hàm lượng tạp khí, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường. Các hộ dân sống tại các cc này đang hàng ngày, hàng giờ đối mặt với sự xuống cấp của chất lượng công trình cũng như môi trường sinh sống.
Dự án công viên biến tướng, cho thuê giá “bèo”
Ngay giữa Thủ đô, hàng trăm nghìn mét vuông đất dự án Công viên Hà Đông đang được Trung tâm Phát triển quỹ đất (PTQĐ) quận Hà Đông ký hợp đồng cho doanh nghiệp thuê với mức giá 5.000 đồng/m2/năm. Không những vậy, trong quá trình triển khai, các doanh nghiệp đều xây dựng công trình kiên cố, đi ngược chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội.
Theo tài liệu của PV thu thập được, hiện 30ha đất sạch đang được Trung tâm PTQĐ Hà Đông cho thuê với mức giá 5.000 đồng/m2/năm. Giá thuê thể hiện trên Hợp đồng chỉ là 5.000đồng/m2/năm, nhưng Trung tâm PTQĐ Hà Đông lại áp dụng điều khoản “Đóng góp hạng mục đầu tư chung, cơ sở hạ tầng” với 12 doanh nghiệp được thuê đất để thu về hơn 10 tỷ đồng với mục đích xây dựng hạ tầng.
Đà Nẵng: Nhà ga quốc tế hơn 3.500 tỷ bắt đầu khai thác
Nhà ga quốc tế T2 sân bay Đà Nẵng có tổng vốn đầu tư trên 3.500 tỷ đồng đã bắt đầu hoạt động từ ngày 9/5.
Dự án này được khởi công xây dựng từ tháng 11-2015 với tổng mức đầu tư 3.504 tỷ đồng. Dự kiến công trình sẽ được khánh thành vào ngày 19/5 tới đây.
Sau khi hoàn thành nhà ga quốc tế có công suất 4 triệu hành khách/năm, đáp ứng 1.600 hành khách/giờ cao điểm. Đây cũng là một trong những công trình trọng điểm của Đà Nẵng phục vụ cho sự kiện APEC 2017 sắp diễn ra.